Ngành thương mại điện tử

Trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, thương mại điện tử đã trở thành dấu ấn của nền kinh tế số trong đời sống của người dân Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Việt đang đứng trước cơ hội to lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và những lợi ích lớn lao của xu thế hội nhập toàn cầu.

Theo Sách trắng Thương mại điện tử 2018 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương phát hành mới đây, năm 2018, toàn ngành thương mại điện tử Việt Nam đạt quy mô 8,06 tỷ USD, tăng trưởng 30% so với năm 2017, bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ.

Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành thương mại điện tử ở Việt Nam khi mà các hoạt động kinh doanh, giao dịch trực tuyến bằng công nghệ hiện đại đang dần thay thế các hình thức mua bán truyền thống.

Với thế mạnh là dân số trẻ cũng như lượng người dùng smartphone chiếm tỷ trọng lớn, lượng người giao dịch thương mại điện tử trên smartphone ngày cành nhiều. Việt Nam hiện là quốc gia được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử tiềm năng và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển song thương mại điện tử tại Việt Nam  vẫn còn những trở ngại cũng như thách thức trong quá trình phát triển.

Chia sẻ mới đây tại một hội thảo, ông Bùi Huy Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng để có thể phát triển được thương mại điện tử một cách bền vững cần tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính sau:

Thứ nhất, cần hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển thương mại điện tử

Hiện nay, thương mại điện tử là một lĩnh vực mới phát triển tại Việt Nam. Ngoài ra, đây còn là lĩnh vực rất đặc thù, đó là sự kết hợp giữa công nghệ và thị trường, giữa yếu tố thực và yếu tố ảo, giữa thực thể tồn tại với thực thể trong không gian số. Chính vì vậy khung pháp lý nói chung vẫn còn nhiều mảng trống cần phải hoàn thiện. Do đó, hoàn thiện chính sách, pháp luật về thương mại điện tử, xây dựng hệ sinh thái cho thương mại điện tử và kinh tế số là một nội dung quan trọng cần được xác định để định hướng phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới.

Thứ hai, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin

Việc hoàn thiện, đồng bộ và nâng cao hạ tầng công nghệ nói chung sẽ giúp bảo mật thông tin trên mạng được an toàn, bí mật và thuận lợi cho khách hàng. Hạ tầng công nghệ chính là những con đường cao tốc kết nối để cho các yếu tố phát triển của thương mại điện tử lưu thông trong đó. Việc thực hiện này đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bên, các Bộ ngành và địa phương mới có thể tạo nên một hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ cho phát triển thương mại điện tử trong tương lai.

Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến phương thức thanh toán điện tử đang ngày càng phát triển với hàng loạt các ứng dụng thanh toán của các ngân hàng. Tuy nhiên hiện nay người tiêu dùng còn đang e ngại về tính tiện dụng và độ bảo mật của phương thức thanh toán này. Bên cạnh đó sự quản lý trên phương diện tài chính tiền tệ còn chưa thực sự đầy đủ, chưa nhất quán, đặc biệt là trong giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới còn nhiều bất cập mà chúng ta chưa giải quyết được.

Để thương mại điện tử phát triển một bước cao hơn, việc thanh toán trực tuyến là yêu cầu tất yếu. Để làm được việc này, ngoài việc các ngân hàng, các trung gian thanh toán hoàn thiện về mặt hạ tầng thanh toán, cần có những tác nhân, biện pháp cụ thể để từng bước thay đổi nhận thức và thói quen người tiêu dùng đối với việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ ba, hoàn thiện hạ tầng logistics

Logistics là một phần không thể thiếu trong sự phát triển của thương mại điện tử và chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng chi phí đơn hàng giao dịch thương mại điện tử. Ngoài ra, hạ tầng và năng lực logistics còn tác động tới sự thành công hay thất bại của một đơn hàng, từ đó tác động tới sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp.

Do vậy, để đảm bảo cho thương mại điện tử phát triển thì cùng với đó hạ tầng logistics nói chung cũng như hạ tầng logistics cho thương mại điện tử cần được đầu tư hoàn thiện. Sự liên kết giữa thị trường và hạ tầng logistics sẽ giúp thông suốt các quy trình phân phối, xuất khẩu hàng hóa, tiết kiệm chi phí, thời gian và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa và cho doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ tư, giải pháp về thị trường

Có thể nói nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay chưa thấy hết tầm quan trọng và những lợi ích mà thương mại điện tử đem lại. Do đó, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng về thương mại điện tử, hiểu được những tác dụng tích cực mà công nghệ cũng như thương mại điện tử mang lại, cách thức ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh là rất quan trọng để có thể làm thay đổi thói quan tập quán kinh doanh và tiêu dùng theo phương thức truyền thống theo hướng hiện đại hơn, hiệu quả hơn.

Về phía cơ quan quản lý, cần hỗ trợ doanh nghiệp phân phối hàng hóa trong và ngoài nước một cách hiệu quả với chi phí thấp nhất. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần có phương án hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới một cách bài bản hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất Việt đa dạng hóa các kênh xuất khẩu tại các thị trường nước ngoài.

0976367898
Zalo