Nhiên liệu sinh học với phát triển bền vững
1. Xăng sinh học với tiềm năng sinh khối trong phát triển nhiên liệu sinh học ở việt Nam
1.1. Khái quát về nhiên liệu sinh học
Nhiên liệu sinh học (Biofuels) là nhiên liệu được hình thành từ các hợp chất có nguồn gốc sinh học, được chế xuất từ chất béo động, thực vật; ngũ cốc; chất thải nông nghiệp hoặc mùn cưa, gỗ thải trong sản xuất công nghiệp. So với dầu khí và than đá, nhiên liệu sinh học thân thiện với môi trường, có thể tái sinh, giúp giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch. Trong nhiên liệu sinh học, xăng sinh học là loại nhiên liệu lỏng, sử dụng Ethanol làm phụ gia pha trộn, nó có thể thay thế hoàn toàn cho các loại xăng sử dụng phụ gia chì truyền thống. Với hàm lượng ôxy cao, xăng sinh học giúp quá trình cháy trong động cơ diễn ra triệt để, tăng công suất, giảm tiêu hao nhiên liệu, đồng thời giảm thiểu chất độc hại trong khí thải. Nhờ trị số Octan cao, xăng sinh học còn làm gia tăng khả năng chống kích nổ.
Mặc dù có những ưu điểm vượt trội, song nhiên liệu sinh học từ tinh bột hoặc cây thực phẩm hàm chứa nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh lương thực. Mặt khác, phụ thuộc vào thời tiết và ngành nông nghiệp còn nhiều bất định, khả năng sản xuất trên quy mô lớn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, giá thành cao cũng là hạn chế dẫn đến việc sử dụng nhiên liệu sinh học trong đời sống chưa phổ biến rộng (Wikipedia 2018).
1.2. Hệ sinh thái, tiềm năng sinh khối và triển vọng phát triển nhiên liệu sinh học ở Việt Nam
Nằm ở trung tâm đa dạng sinh học Indo-Burma (IBBH), Việt Nam có những hệ sinh thái lớn, bao gồm 110 khu đa dạng sinh học, 62 khu bảo tồn các loài chim, 3 di sản thiên nhiên thế giới, 8 vùng đất ngập nước Ramsar 3, 8 khu bảo tồn sinh quyển UNESCO và 4 Vườn di sản ASEAN. Cả nước có trên 800 giống cây nông nghiệp, 14 giống gia súc, gia cầm và nhiều loài đặc hữu. Sự phong phú về giống cây trồng, vật nuôi giúp Việt Nam có điều kiện trở thành quốc gia đa dạng sinh thái và có thể là một trong những trung tâm nhân giống trên thế giới (FAO 2018).
Nhờ điều kiện thiên nhiên thuận lợi, tiềm năng sinh khối của Việt Nam phong phú với khả năng hằng năm tạo ra khoảng 29,5 triệu tấn gỗ củi; phụ phẩm cây nông nghiệp lên tới 78 triệu tấn, tạo nguồn năng lương tương đương 256,3 triệu MWh và khí sinh học biogas phân hủy từ phân động vật, phụ phẩm nông nghiệp, có thể cung cấp tới 7,5 triệu MWh. Đánh giá ảnh hưởng của các nguồn năng lượng sinh học TS Lê Xuân Huyên cho rằng “...Xu thế phát triển năng lượng tái tạo là bất khả kháng....Với chi phí sản xuất ngày càng rẻ, công nghệ phát triển tăng cao độ bền thiết bị, giảm được phát thải khí nhà kính…, năng lượng tái tạo thay thế năng lượng hóa thạch là điều tất yếu” (Petro Việt Nam 2017)
2. Thực trạng sử dụng năng lượng và quá trình phát triển nhiên liệu sinh học
Việt Nam đã thể hiện với tư cách là quốc gia sản xuất dầu, khí thiên nhiên và than đá. Song tiêu thụ gia tăng cùng với trợ giá đã cản trở đến khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng tương lai. Phân tích cơ cấu tiêu thụ cho thấy: Vào năm 2015, than chiếm hơn 1/3, các sản phẩm dầu mỏ chiếm 15%, khí thiên nhiên 13% và dầu thô chiếm 10% tổng mức cung cấp năng lượng sơ cấp. Cả nước nước sản xuất 42,0.triệu tấn than với 98% tiêu thụ tại thị trường nội địa. Mặc dù còn nhiều biến động, nhưng sản lượng dầu thô khai thác đã đạt trên 16,7 triệu tấn/năm.
Với mức tiêu dùng tăng dần qua từng năm, Viêt Nam là nước phải thường xuyên nhập khẩu dầu tinh chế để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. PetroVietnam đang tìm giải pháp đẩy mạnh chưng cất dầu thô. Ngành dầu khí đã vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất với công suất 140.000 thùng/ngày, đang kỳ vong đưa được thêm 2 kho cảng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng LNG vào hoạt động. Ngoài ra, còn xây dựng và dự kiến hoàn thành 3 nhà máy lọc dầu mới vào năm 2020.
Từ tiềm năng sinh khối phong phú và nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050" (Thủ tướng Chính phủ 2007). Với chiến lược này, năng lượng tái tạo được cam kết ưu tiên phát triển nhằm đưa tỷ trọng lên 5% vào năm 2020 và đến năm 2050 sẽ đạt 11% tổng nguồn. Tái cơ cấu năng lượng được coi là nhân tố quan trọng trong công nghiệp hóa-hiện đại hoá (CNH-HĐH) đất nước.
Theo Quyết định 177/2007/QĐ-TTg về phát triển nhiên liệu sinh học, đến năm 2025,sản lượng Ethanol và Biodiesel sẽ đạt 250.000 tấn. Chính phủ đã vạch ra những giải pháp tập trung vào thực hiện các nghiên cứu và phát triển (R&D); khuyến khích các chủ thể kinh tế đầu tư vào công nghệ phát triển nhiên liệu sinh học; xây dựng tiềm năng phát triển nhiên liệu sinh học thông qua tăng cường nguồn nhân lực; hiện đại hóa thiết bị và tăng cường thông tin quốc tế; chuyển giao công nghệ (Thủ tướng Chính phủ 2007).
Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã thiết lập lộ trình áp dụng nhiên liệu sinh học. Theo đó, tỷ lệ pha trộn và thời gian thực hiện đối với phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng nhiên sinh học đã được định rõ. Nhiên liệu sinh học được sản xuất và phân phối bao gồm E5, E10, B5 và B10. Từ 01 tháng 12 năm 2015 xăng sinh học E5 sẽ được dùng trên toàn quốc. Tương tự, việc sử dụng xăng E10 cũng sẽ mở rộng từ ngày 1 tháng 12 năm 2017.
3. Lộ trình nhiên liệu sinh học với giá trị của chuỗi ưu tiên
Từ bằng chứng và những nhu cầu bổ sung, có thể thấy, xu hướng ưu tiên phát triển năng lượng sinh học đã hướng vào sản xuất Ethanol từ sắn và biogas dựa trên công nghệ phân hủy kị khí phân chuồng .
3.1. Sản xuất và sử dụng khí Biogas .
Ở Việt Nam, Biogas sản xuất phổ biến dựa vào các hầm kị khí, xây dựng gần nơi chăn nuôi gia súc. Biogas được phát triển theo hệ thống bao gồm các loại hình hộ gia đình, trang trại chăn nuôi sử dụng phần chuồng và từ nguồn nước thải chế biến sắn tươi trong sản xuất công nghiệp. Cuối năm 2016, cả nước có 450.000 hầm kỵ khí (Ads); trong số này, 90% được lắp đặt và vận hành nhờ sự hỗ trợ của chính phủ và các đối tác như Ngân hàng Phát triển châu Á(ADB), Ngân hàng Thế giới (W.B) và Tổ chức Phát triển Hà Lan ( SNV) ( Maria Michela Morese và cộng sự 2018).
Sử dụng Biogas trong các hộ gia đình đã mang lại lợi ích thiết thực trong giảm chi tiêu năng lượng; gia tăng tiếp cận dịch vụ năng lượng hiện đại; tiết kiệm thời gian thu thập rơm, củi; giảm khả năng phơi nhiễm không khí ô nhiễm và nguy cơ liên quan đến sức khỏe. Tại những hộ gia đình có hầm kị khí, biogas cung cấp hầu hết năng lượng cho nấu nướng, sưởi ấm và chiếu sáng. Cùng với lợi ích mang lại, vấn đề quản lý Biogas hộ gia đình cũng bộc lộ những tồn tại gây hệ lụy tiêu cực, làm giảm hiệu suất quá trình tiêu thụ như khó vận chuyển phân loãng ra đồng để nuôi dưỡng đất hoặc xả khí biogas và chất thải ra môi trường, gây tác động tiêu cực đến chất lượng không khí, nước và đất.
Thách thức nổi bật Biogas hộ gia đình là sự rò rỉ do các vết nứt của hầm kỵ khí và xả khí dư thừa của người sử dụng, dẫn đến gia tăng đáng kể lượng khí metal (CH4) phát thải, gây hiệu ứng nhà kính, làm BĐKH càng thêm nặng nề.Trên quy mô trang trai,chỉ một lượng nhỏ Biogas được sử dụng cho nhu cầu năng lượng của hộ gia đình, phần lớn khí sản sinh phát tán vào không gian gây ô nhiễm đáng kể môi trường. Đối với sản xuất quy mô công nghiệp, các cơ sở chế biến chỉ sử dụng một phần nhỏ khí Biogas tạo ra để đáp ứng nhu cầu năng lượng làm khô sản phẩm, phần đáng kể phát thải ra môi trường đã trở thành tác nhân gây biến đổi khí hậu nặng nề.
Biogas mang lại hiệu quả trong thay thế nhiên liệu hóa thạch và nhiên liệu sinh học kém hiệu quả, thiếu bền vững. Tuy nhiên, trong lộ trình phát triển loại nhiên liệu này cần phải vượt qua nhiều rào cản. Trước hết là nhận thức hạn chế về việc ứng dụng chất yếm khí, cũng như lợi ích và nguy cơ có thể xảy ra.
Tồn tại phổ biến ở nhiều địa phương là thiếu khả năng sản xuất thiết bị và xây dựng các hầm kị khí đạt tiêu chuẩn cần thiết hoặc thiếu kỹ năng chuyên môn trong xây lắp và bảo trì thiết bị; hiệu quả chuyển đổi năng lượng và sử dụng biogas đang còn rất thấp; lượng biogas sản sinh dư thừa phát tán cao đã gây những tác động môi trường bất lợi (Maria Michela Morese và cộng sự 2018).
3.2. Năng lượng sinh học của chuỗi Ethanol từ sắn.
Tại Việt Nam phụ gia Ethanol được chế suất phổ biến từ sắn lát khô. Chuỗi giá trị này bao gồm các công đoạn từ trồng sắn, cắt lát sắn sau thu hoạch đến sản xuất pha trộn, phân phối và sử dụng Ethanol.
Sắn là cây quan trọng sau lúa và ngô, được trồng chủ yếu ở đồng bằng và vùng đất đồi núi có độ dốc trên 8%. Quy mô trồng sắn ở Việt Nam còn nhỏ, bình quân mới đạt 0,27 ha/trang trại. Nơi có quy mô trang trại lớn nhất là Đông Nam bộ cũng chỉ đạt 0,85 ha, Năm 2015, diện tích sắn cả nước đạt trên 566,5 nghìn ha với tổng sản lượng 10,7 triệu tấn củ tươi. Địa phương có sản lượng sắn cao nhất là Tây Ninh, đạt trên 1,86 triệu tấn/năm; tiếp đó là Gia Lai hơn 1,18 triệu tấn/năm (Tổng Cục thống kê Việt Nam 2017).
Sau khi thu hoạch, từ 40% đến 60% sắn tươi được cắt thành lát rồi phơi khô dưới nắng mặt trời. Sắn thái lát cần từ 2 đến 3 ngày để làm khô. Thông thường phải mất từ 2,4 đến 3 kg sắn tươi mới có được 1kg sắn lát khô. Tại các nhà máy sản xuất Ethanol, việc chế biến được thực hiện theo quy trình gồm các bước bao gồm từ nghiền sắn lát khô thành tinh bột đến nấu chín, thủy phân, lên men, chưng cất và khử nước. Dung dịch sau lên men phải được chưng cất để cô đặc thành Ethanol 9 % và sau đó khử nước để tạo Ethanol khan (99,5%).
Cả nước hiện còn 5 nhà máy sản xuất Ethanol cho thị trường nhiên liệu, trong đó 2 nhà máy hoạt động với lượng Ethanol pha trộn xăng dưới 30.000 m3. Phân tích hạn chế của sản xuất Ethanol, các nhà nghiên cứu cho rằng “Đầu vào” không ổn định là khó khăn đầu tiên mà các nhà sản xuất không thể tự giải quyết. Mặc dù sắn là nguyên liệu dồi dào trong sản xuất năng lương sinh học (NLSH), song do thiếu quy hoạch và cơ chế giúp nông dân phát triển vùng sản xuất nên nguồn cung cho các nhà máy khó ổn định. Thiếu nguyên liệu là yếu tố khiến nhiều nhà máy phải sản xuất với chi phí cao (nguyên liệu chiếm tới 60% chi phí sản xuất).
Giá Bio-Ethanol sản xuất tại Việt Nam thường cao hơn những nhà máy tương tự ở Thái Lan tới 26% .Mặc dù ở đầu ra, xăng E5 đã bán ra tại hơn 41 tỉnh, thành phố trong cả nước, song do người tiêu dùng thiếu mặn mà và ưu đãi cho xăng sinh học không tạo ra sự khác biệt đáng kể nên vào năm 2013 cả nước chỉ tiêu thụ được khoảng 30% sản lượng của các nhà máy sản xuất NLSH(Thanh Loan; PV Oil.com.vn).
3.3.Tăng cường năng lực quốc gia về các chuỗi giá trị nhiên liệu sinh học.
Nhằm tìm kiếm giải pháp tăng cường năng lực quốc gia về năng lượng sinh học; tổ chức FAO và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VASS) đã vận dụng bộ công cụ đánh giá và giám sát tính bền vững của năng lượng sinh học do Tổ chức Đối tác Năng lượng Sinh học toàn cầu (GBEP) đề xuất vào nghiên cứu giá trị của những lộ trình nhiên liệu sinh học. Bộ chỉ số dánh giá này gồm 24 tiêu chí được xây dựng dựa trên 3 trụ cột môi trường, xã hội và kinh tế.
Những chỉ số trụ cột môi trường hướng vào đánh giá khả năng phát thải khí nhà kính( KNK); năng suất sản xuất của đất và hệ sinh thái; chất lượng không khí, chất lượng nước; đa dạng sinh học và thay đổi sử dụng đất.
Trụ cột xã hội liên quan đến giá cả và cung ứng thực phẩm quốc gia; tiếp cận đất nước và tài nguyên thiên nhiên; điều kiện lao động, phát triển nông thôn và xã hội; tiếp cận năng lượng, sức khỏe và sự an toàn của con người.
Trụ cột kinh tế hướng vào xây dựng các chỉ số cụ thể về tài nguyên sẵn có và hiệu quả sử dụng trong sản xuất; chuyển đổi, phân phối và sử dụng năng lượng sinh học; phát triển kinh tế, khả năng cạnh tranh của năng lượng sinh học;đa dạng hóa nguồn lực và khả năng cung ứng; cơ sở hạ tầng và hậu cần phân phối, sử dụng.
Theo các tiêu chí xây dựng, việc đánh giá chỉ số phát thải KNK trong giá trị chuỗi được xác định theo vòng đời (LCA) sản phẩm. Lượng KNK phát sinh được so sánh với phát thải của xăng. Trong đó, đioxit cac bon (CO2), mêtan (CH4) và nitơ oxit (N2O) được chuyển đổi thành CO2 tương đương (CO2eq) (FAO 2018).
Đo lường các yếu tố từ sản xuất đến sử dụng Ethanol vào vận chuyển, các nhà phân tích đã rút ra, tổng lượng KNK phát thải ở mức 57,5 - 59,2 CO2eq/MJ sản phẩm, giảm được 37-39% lượng phát thải KNK so với dùng xăng thông thường.
Trong sản xuất biogas, quá trình phân hủy kị khí tạo ra khí mê-tan (CH4) và các-bon dioxit (CO2). Tổng lượng phát thải KNK từ lộ trình biogas là 9.21 g CO2eq/MJbiogas, trong đó, 16% phát sinh do việc sử dụng (1,49 g CO2eq/Mjbiogas). Nếu xem xét cả lượng phát thải do hiệu suất sử dụng thâp thì mức phát thải tổng lượng lên tới 28,78 g CO2eq/MJ nhiệt hữu ích. Mức phát thải này thấp hơn so với phát thải từ khí thiên nhiên và LPG, lần lượt là 42,46 g CO2eq và 49,50 g CO2eq/MJ nhiệt hữu ích (FAO 2o18).
Phân tích chất lượng đất cho thấy: Sử dụng phân chuồng trong chuỗi giá trị biogas có ảnh hưởng tốt đối với tính chất vật lý của đất. Mùn là chất hữu cơ tối màu được sản sinh khi thực vật và động vật bị phân hủy chứa nhiều chất dinh dưỡng hữu ích, trong đó, nitơ là chất quan trọng nhất. Với sự gia tăng số hầm biogas, tỷ lệ phân chuồng phân hủy (digestate) sử dụng cho đất dưới dạng nước thải biogas ngày một gia tăng. Phân được phân hủy nâng cao tiềm năng giá trị cân bằng phân khoáng (MFE), có thể mang lại lợi ích to lớn nhờ sự gia tăng khả năng sẵn có của nitơ và NH4 thông qua quá trình khoáng hóa khi phân hủy.
Tổng kết thử nghiệm với nhiều loại phân gia súc đã phân hủy, các nhà khoa học nhận thấy, giá trị MFE tăng trung bình xấp xỉ 10%, so với giá trị MFE của chất bùn thô. Chất hữu cơ còn lại sau khi phân hủy kị khí ở lại trong hợp chất ổn định hơn, có thể góp phần lưu giữ các-bon trung hạn cao hơn trong đất.
4. Tính bền vững của chuỗi giá trị nhiên liệu sinh học qua kết quả nghiên cứu
Phân tích tác động môi trường, xã hội và kinh tế của chuỗi giá trị nhiên liệu sinh học, các nhà nghiên cứu đã thu nhận được những kết quả tích cực và từ đó đưa ra nhiều khuyến nghị hướng tới nâng cao tính hiệu quả, khả năng bền vững và tính cạnh tranh của nhiên liệu sinh học.
Phù hợp với dự án được thực hiện với sự hợp tác giữa FAO và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), các nhà khoa học đã cung cấp nhiều bằng chứng, tạo cơ sở để các nhà hoạch định chính sách xem xét, lựa chọn để đưa ra những quyết sách phù hợp trong bối cảnh rộng về BĐKH toàn cầu và phát triển các-bon thấp.
Với sự tham gia của các Nhóm công tác đa bên của FAO và VAAS trong dự án thực hiện, dựa trên khả năng lan truyền, mối quan hệ trong việc ra quyết định, sự cần thiết phải phân tích về tính bền vững và năng lực cạnh tranh, 2 lộ trình năng lượng sinh học ưu tiên đã được xác định đó là Biogas và sản xuất Ethanol từ sắn.
4.1.Đối với chuỗi giá trị Ethanol từ sắn.Các kịch bản phân tích đã dựa trên chỉ số bền vững thực hiện trong điều kiện ở Việt Nam. Trong giai đoạn sản xuất nguyên liệu, 2 hệ thống canh tác được xem xét là sản xuất trên đất phẳng và trên đất dốc. Trong chế biến Ethanol, đến tháng 12 năm 2017, cả nước có 2 trong 5 nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu còn hoạt động với sản lượng chỉ chiếm một phần nhỏ công suất.
Mức tiêu thụ Ethanol cả nước chưa tới 30 nghìn m3(năm 2016). Đến nay, do mức tiêu thụ thấp và thị phần sắn sản xuất Ethanol giới hạn nên tác động môi trường, xã hội và kinh tế từ chuỗi giá trị Ethanol từ sắn chưa đáng kể. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, các tiêu chí về thu nhập và việc làm đóng góp nhỏ bé vào đa dạng năng lượng quốc gia.
Các chỉ số thể hiện nhu cầu về Ethanol từ sắn chưa gây áp lực đáng kể lên sử dụng đất, đa dạng sinh học, quyền sử dụng đất và an ninh lương thực. Kết quả đánh giá theo bộ chỉ số GBEP cho thấy, khả năng cạnh tranh sản xuất Ethanol từ sắn có nhiều hạn chế cùng với năng suất và hiệu quả thấp trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là sản xuất nguyên liệu.
Với năng suất trung bình 18 tấn/ha, sản lượng sắn ở Việt Nam thấp thua xa so với các nước có điều kiện sinh thái nông nghiệp tương đồng. Để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của lộ trình sản xuất Ethanol từ sắn các nhà phân tích cho rằng, phải cải thiện năng suất sắn thông qua việc sử dụng giống cải tiến, kỹ thuật canh tác tiên tiến và kỹ thuật thực hành nông nghiệp tốt. Đồng thời với tăng năng suất của chuỗi cung ứng, các nhà sản xuất Ethanol cần sử dụng nhiều hơn công nghệ chế biến hiệu quả.
Chính sách ưu đãi là cần thiết để thúc đẩy tăng năng suất cho cả trang trại trồng sắn lẫn nhà sản xuất Ethanol. Những chính sách ban hành cần được xây dựng theo hướng cải tiến quản lý đất đai tài nguyên thiên nhiên, nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh, tạo lợi ích cả về môi trường và kinh tế xã hội.
Yêu cầu sử dụng xăng sinh học E5 trong cả nước mở ra cơ hội phát triển ngành công nghiệp và thị trường Ethanol. Trong bối cảnh thiếu biện pháp bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị Ethanol từ sắn sẽ là chìa khóa để sản xuất trong nước có thể cạnh tranh được với Ethanol từ thị trường quốc tế và khu vực.
Kết quả phân tích kịch bản xăng E5 cho thấy, lượng sắn xuất khẩu dư thừa có thể đóng góp đáng kể vào giảm áp lực nguyên liệu sản xuất Ethanol. Nhưng để giảm thiểu rủi ro cạnh tranh so với mục đích sử dụng khác hoặc đánh đổi cho xuất khẩu, cần thúc đẩy tập trung hơn nữa việc trồng sắn bền vững, đáp ứng nhu cầu gia tăng thông qua cung cấp bổ sung sản lượng thu được nhờ tăng năng suất. Các nhà phân tích cũng đã lưu ý 2 vấn đề cần đặc biệt quan tâm đó là tác động của việc trồng và thu hoạch sắn trên đất xói mòn và ảnh hưởng từ gia tăng sử dụng xăng sinh học lên doanh thu và ngân sách của chính phủ.
4.2. Chuỗi giá trị Biogas
Hệ thống biogas, đặc biệt là tại cấp hộ gia đình, đã có mặt ở Việt Nam từ nhiều năm trước. Để đánh giá tính bền vững của lộ trình biogas theo các Chỉ số GBEP, các nhà nghiên cứu đã vận dụng thực trang tình hình năm 2016 để so sánh với một kịch bản không có biogas.
Biogas đã cung cấp phần lớn năng lượng cho nhu cầu đời sống thay thế sinh khối và nhiên liệu hoá thạch truyền thống với nhiều lợi ích cả về môi trường và kinh tế xã hội, bao gồm: giảm tiêu dùng năng lượng; tăng cường tiếp cận với dịch vụ năng lượng hiện đại;giảm thời gian thu gom nhiên liệu sinh khối ; giảm thiểu ô nhiễm không khí trong nhà và những rủi ro về sức khoẻ.
Tác động tích cực của biogas đã vượt ra ngoài các hộ gia đình sử dụng mà lan tỏa sang công nghiệp. Công nghiệp biogas đã làm gia tăng nhu cầu việc làm đòi hỏi kỹ năng cao liên quan đến xây dựng và vận hành hầm biogas. Phần lớn lao động có tay nghề đã được đào tạo trong quá trình hỗ trợ phát triển biogas, đặc biệt là trong những dự án do SNV tài trợ.
Khác với những tác động tích cực, yếu kém về quả lý đã làm giảm lợi ích và gia tăng những bất cập. Thảo luận về các chỉ số đánh giá cho thấy, quá nhiều nước đưa vào hầm biogas đã làm giảm hiệu quả quá trình tiêu hủy, phân sau phân hủy (digestate) bị loãng quá mức đã cản trở việc chuyển ra đồng để bón cho đất. Mặt khác, một lượng lớn chất thải từ hầm biogas bị phát tán vào kênh rạch, sông, hồ ... gây ô nhiễm nguồn nước nặng nề. Ở cấp độ công nghiệp, chỉ một phần nhỏ năng lượng biogas tạo ra được dùng vào làm khô tinh bột sắn, phần còn lại bị đốt bỏ hoặc cho thoát ra ngoài không khí .
Thách thức lớn trong quản lý là sự rò rỉ tiềm ẩn do các vết nứt trong hầm biogas hoặc việc thải khí biogas dư thừa ra không khí. Hệ lụy dẫn đến là phát tán một lượng đáng kể khí mê-tan (CH4) vào môi trường gây tác động bất lợi,làm gia tăng BĐKH. Vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn bởi sự gia tăng về quy mô và năng suất của ngành chăn nuôi.
Phân tích kết quả thực hiện các chỉ số GBEP cho thấy, tiềm năng phát triển của ngành biogas trong nước và những rào cản liên quan. Nhìn chung, biogas là một lựa chọn hiệu quả để thay thế nhiên liệu hoá thạch hoặc những loại nhiên liệu sinh học ít hiệu quả, thiếu bền vững. Tuy nhiên, chi phí xây dựng hầm biogas còn cao và thời gian hoàn vốn kéo dài.
Vấn đề cấp bách hiện nay là việc giải quyết lượng biogas dư thừa phát tán vào không gian tại các nông trại và các khu công nghiệp. Sử dụng biogas dư thừa vào phát điện hòa vào lưới điện quốc gia có thể là giải pháp đảm bảo lợi nhuận cao hơn khi đầu tư vào những hầm biogas riêng lẻ.
Điều quan trọng được các nhà phân tích đề cập là sự phối hợp về thể chế giữa các cấp tổ chức quản lý liên quan đến biogas. Theo đó, Ở cấp quốc gia, cần có sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các Bộ, ngành có liên quan. Khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ cần được tham gia vào tư vấn, phản biện nhằm xác định và chia sẻ những thông lệ tốt cũng như huy động nguồn lực, áp dụng các công nghệ mới và phát triển lực lượng lao động kỹ thuật.
5. Khuyến nghị giám sát đảm bảo phát triển nhiên liệu sinh học bền vữngNhằm nâng cao khả năng giám sát bền vững năng lượng sinh học theo bộ chỉ tiêu GBEP, từ thực tiễn nước ta, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những khuyến nghị quan trọng, tập trung vào:Thiết lập cơ sở cho việc xây dựng nền tảng quốc gia để giám sát lâu dài về tính bền vững của năng lượng sinh học.
Tận dụng đà phát triển hiện nay, điều quan trọng là thể chế hóa nhóm làm việc đa bên, làm đại diện cho các bên liên quan, bao gồm đại diện của những bộ, cơ quan quốc gia, khu vực tư nhân và các học viện. Nhóm làm việc này cần hoạt động theo một quy trình có sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, có thể tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách. Việc thiết lập một khuôn khổ dài hạn nhằm giám sát tính bền vững, sẽ là cơ chế để đánh giá sự đóng góp của năng lượng sinh học trong giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Bằng cách giám sát tính bền vững của sản xuất và sử dụng năng lượng sinh học, nhóm làm việc đa bên có thể thu nhận những chỉ số quan trọng về hiệu quả của chính sách hỗ trợ năng lượng sinh học như giảm phát thải KNK, tăng sự đa dạng và khả năng tiếp cận để xác định tác động ngoài ý muốn của chính sách. Theo hướng đi này, kết quả giám sát có thể được sử dụng để sửa đổi hoặc điều chỉnh những chính sách đã ban hành.
Lộ trình năng lượng sinh học đã được phân tích; tuy nhiên, hầu hết đều dựa trên dữ liệu từng phần. Để có cơ sở giám sát hiệu quả, cần mở rộng phạm vi phân tích bằng những nghiên cứu bổ sung để có sự điều chỉnh cần thiết. Muốn xây dựng bức tranh chính xác về tác động của NLSH ở những vùng khác nhau, cần thu thập dữ liệu bổ sung. Dữ liệu thu thập phải được tổng hợp theo tiêu chí thống nhất, đặc biệt cần quan tâm đối với các lộ trình mang tính chiến lược.
Theo các nhà phân tích, tiếp cận dữ liệu thuộc sở hữu tư nhân là chìa khóa để giám sát chặt chẽ chuỗi giá trị năng lượng sinh học lựa chọn. Do vậy, hợp tác với các các hiệp hội thương mại, một thành phần của nhóm làm việc đa bên, có ý nghĩa rất quan trọng. Trong trường hợp cần thiết, các thỏa thuận bảo mật có thể được ký cả với những công ty tư nhân.
Nhóm làm việc đa bên được hình thành sẽ làm đại diện cho cách thức tối ưu để thúc đẩy trao đổi giữa các bên có liên quan. Để khai thác được cơ hội, điều quan trọng là duy trì đối thoại tích cực trong khu vực về các vấn đề liên quan, nhất là tổ chức các sự kiện trong tương lai một cách thường xuyên.